Sự kiên định trong lối chơi là điều mà người ta chưa thấy ở Ole Gunnar Solskjaer trong suốt hai năm qua ở sân Old Trafford. Và có lẽ nó cũng là điều khiến NHM Quỷ đỏ đã ngán chiến lược gia người Na Uy đến tận cổ.
Từ khi các ông chủ Ả Rập dốc hầu bao mua lại Man City, họ đã tạo ra một sự so sánh không dứt giữa hai đội bóng này. Nếu ngày xưa Sir Alex từng khẳng định thua Man City chẳng bao giờ có trong từ điển của ông thì hiện tại, Man City đã vượt mặt, thậm chí vượt mặt rất xa so với Man Utd.
Ole vẫn loay hoay tìm lối đi riêng ở Man Utd.
Nếu dùng tiền để lí giải sự chênh lệch giữa hai đội bóng vào lúc này thì không hợp lý cho lắm bởi Man Utd vung tiền có thua gì “người hàng xóm ồn ào” trong mấy năm qua. Riêng bộ ba Cristiano Ronaldo, Jadon Sancho và Raphaël Varane đã ngốn của họ hơn 100 triệu bảng. Quỷ đỏ đâu có nghèo khi xét về những gì họ đầu tư lẫn giá trị thương hiệu trên toàn cầu. Vậy điểm nào khiến cán cân sức mạnh nghiêng hẳn về phía Man City bắt đầu từ năm 2014?
Có lẽ đó là sự xuất hiện của Pep Guardiola. Chiến lược gia người Tây Ban Nha này đã đem cách quản trị riêng của mình đến với nước Anh và áp đặt lên Man City. Với Pep, sơ đồ nào không quan trọng, ngôi sao nào không quan trọng, thậm chí, đến một chiến thắng cũng không quan trọng bằng cách thức tổ chức và chơi một trận bóng. Hãy nghe Kevin De Bruyne kể về người thầy của mình: “Chúng tôi luôn có một cuộc họp trước mỗi trận đấu và Pep sau đó sẽ nói ‘Chúng ta sẽ làm điều này hay điều kia. Tiến lên’. Và sau đó chúng tôi hỏi: ‘Này Pep, ai sẽ ra sân thi đấu?’ Thi thoảng ông ấy quên. Đối với ông ấy, chiến thắng là quan trọng nhưng triết lý của ông ấy còn quan trọng hơn.”
“Nhiều người không hiểu điều này. Pep thà thua theo nguyên tắc bóng đá của mình còn hơn kiếm chiến thắng từ chiến thuật phản công. Ông ấy yêu bóng đá tấn công nhiều lắm,” De Bruyne nói thông qua chương trình Midmid Poscast mới đây.
Pep đã định hình được cho Man City những “giá trị cốt lõi” nhất định.
Thắng bằng triết lý của mình, đó là thứ mà Pep xây dựng ở Man City. Với ông, chỉ có hai thứ tồn tại ở trên sân, ấy là “kiểm soát trái bóng” và “tấn công”. Ole Gunnar Solskjaer ban đầu được tung hô ở sân Old Trafford từ sau cuộc lội ngược dòng kinh điển trước PSG vào năm 2019. Từ đó đến nay, những trận đấu mà Man Utd chơi xuất sắc nhất chỉ thường là những cuộc đấu mà họ bị đẩy vào thế cửa dưới. Khi cần áp đặt thế trận, Quỷ đỏ không đủ giỏi để khiến đối phương run sợ. Thậm chí, giờ đây, họ chơi ở thế cửa dưới cũng tệ chẳng khác nào khi buộc phải đá cửa trên. Hai trận thua tan nát trước Liverpool và Man City gần đây là minh chứng điển hình.
Trong quyển sách “Từ tốt đến vĩ đại”, tác giả Jim Collins đã tiết lộ rằng điều giúp các công ty lớn trên thế giới như Boeing, Walmart tồn tại qua năm tháng, không phải bởi họ có nguồn vốn lớn mà chính là hệ thống thượng tầng của họ luôn làm việc dựa trên “giá trị cốt lõi”.
“Giá trị cốt lõi” của Pep là kiểm soát không gian, là tấn công và áp đảo đối phương. Vậy “giá trị cốt lõi” của Ole là gì sau hơn hai năm tại vị? Chính ông còn đang loay hoay với bài toán nhỏ “sử dụng Ronaldo hiệu quả” thì làm sao trả lời được câu hỏi to lớn ấy.
Nguồn: https://www.bongda.com.vn/chi-mot-cau-noi-de-bruyne-cho-thay-ole-con-cach-xa-pep-ca-van-dam-d619971.html